Có giấy phép lái xe quốc tế được quyền chạy xe ở Việt Nam không?

5/5 (1 bình chọn)

Đại diện PC67 Công an TP.HCM nhìn nhận ngôn phong, ngôn từ của chiến sĩ CSGT là thiếu kiềm chế và sẽ mời hai bên đến làm rõ.

Về clip CSGT Cát Lái không chấp nhận bằng lái quốc tế của người vi phạm gây xôn xao dư luận, chiều 21-3, Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết: Phòng PC67 đã yêu cầu cán bộ làm giải trình, báo cáo.

CSGT nhầm lẫn khi từ chối bằng lái quốc tế

Mời hai bên đến tiếp tục làm rõ

Theo giải trình, ngày 18-3, Đội CSGT Cát Lái kiểm tra, xử lý vi phạm trên đoạn đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM) thì phát hiện ông Vũ Thanh Tùng (Việt kiều Đức, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định.

Trung úy Võ Thành Tâm, Đội CSGT Cát Lái, dừng xe, thông báo về lỗi vi phạm tốc độ (63/50 km/giờ). Khi kiểm tra các giấy tờ có liên quan gồm giấy phép lái xe (GPLX) và giấy đăng ký xe, thì ông Tùng xuất trình GPLX quốc tế (International Driving Permit, sau đây gọi IDP) và giấy đăng ký xe mà không có GPLX quốc gia (cơ quan chức năng của Đức cấp) kèm theo. Lúc này, Trung úy Tâm đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện.

Đến 16 giờ cùng ngày, người vi phạm đã đến trụ sở xuất trình GPLX quốc gia nên đơn vị đã thay đổi biện pháp ngăn chặn và trả lại xe.

Thượng tá Thương lý giải theo Thông tư 29 Bộ GTVT về việc cấp và sử dụng GPLX quốc tế thì các nước tham gia công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên) được quyền cấp GPLX quốc tế theo mẫu mã thống nhất, có thời hạn không quá ba năm kể từ ngày cấp, phù hợp với GPLX quốc gia. “Lúc kiểm tra, người vi phạm chỉ xuất trình IDP có ngôn ngữ là tiếng Đức. Lực lượng CSGT nhận thấy giấy phép này không giống như quy định tại Thông tư 29 của Bộ GTVT nên đã tạm giữ phương tiện để có thời gian xác minh” – ông nói.

Vị phó phòng PC67 cho hay sau khi sự việc xảy ra, PC67 đã nhanh chóng xác minh, cử cán bộ xuống đơn vị yêu cầu làm tường trình. “Đặc biệt, phòng sẽ có báo cáo xin ý kiến ban giám đốc Công an TP để chỉ đạo vụ việc, tiến hành mời người vi phạm và vị CSGT có liên quan đến làm rõ. Nếu CSGT sai phạm thì xử lý đúng quy định” – Thượng tá Thương nhấn mạnh.

Trước dư luận cho rằng CSGT không nắm rõ luật, có phát ngôn với người vi phạm cho rằng “IDP của ông Tùng là vô giá trị với Việt Nam”, Thượng tá Thương cho biết sẽ tiếp tục mời CSGT và người vi phạm đến làm rõ.

“Qua ngôn phong, ngôn từ khi phát biểu, phải nói CSGT do làm việc dưới áp lực cũng như do thái độ phản ứng của người vi phạm, đôi lúc khi xử lý không được kiềm chế. Chỗ anh Tâm có những lúc nóng nảy nên đôi lúc thiếu tế nhị, phòng sẽ có nhắc nhở và rút kinh nghiệm chung” – vị lãnh đạo PC67 nói.

Có sự nhầm lẫn

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, một CSGT Cát Lái thông tin: Khi bị tổ tuần tra chuyên đề dừng xe, ông Tùng xuất trình bằng lái xe do nước Đức cấp, sau đó xuất trình một cuốn sổ ghi bằng tiếng Đức, nói đó là bằng lái quốc tế. “Tuy nhiên, cuốn sổ mà ông Tùng xuất trình không trùng với Thông tư 29/2015 (thông tư quy định IDP phải ghi song ngữ Anh-Việt ở trang bìa – PV) nên lập biên bản tạm giữ xe để xác minh”.

Có sự khác nhau về chi tiết ông Tùng xuất trình GPLX và IDP nên chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Tùng để xác minh thông tin này nhưng không liên lạc được.

Về sự việc trên, một luật sư phân tích: Theo Điều 11 Thông tư 29/2015, người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp, khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và GPLX quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển.

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì nêu: Trường hợp điều ước quốc tế về GPLX mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

“Việt Nam và Đức đều là thành viên Công ước Viên nên người lái xe được cơ quan có thẩm quyền nước Đức cấp IDP và họ có bằng lái của nước Đức thì họ được phép lái xe theo đúng hạng xe tại Việt Nam. Nói cách khác, nếu ông Tùng có bằng lái xe, có IDP do phía Đức cấp thì ông được điều khiển ô tô đúng với hạng xe được cấp trong IDP tại Việt Nam” – vị luật sư nói.

Vị luật sư cũng cho là CSGT Cát Lái đã nhầm lẫn về hình thức IDP. Bởi Thông tư 29/2015 quy định IDP phải in song ngữ Anh-Việt là đối với IDP do Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam, trong khi IDP của ông Tùng là do cơ quan có thẩm quyền của Đức cấp (không in và không thể in song ngữ Đức-Việt) cho công dân nước họ. “Không chấp nhận IDP của ông Tùng là nhầm lẫn” – vị này phân tích.

“Ngay sau khi lãnh đạo Đội CSGT Cát Lái biết sự việc đã trả lại xe cho ông Tùng là hành động phù hợp” – vị luật sư nhận định.

Ông cũng cho rằng có đến 73 nước tham gia Công ước Viên và hình thức IDP ở mỗi nước sẽ có quy định khác nhau. Vì vậy CSGT cần linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật, tránh gây ức chế cho người tham gia giao thông.

• Mẫu GPLX quốc tế: Trang 1 (trang bìa) ghi thông tin cơ bản của IDP được in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; trang 2 in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, trang 3 in bằng tiếng Việt (…), trang 6 in bằng tiếng Nga, trang 7 in bằng tiếng Tây Ban Nha, trang 8 in bằng tiếng Pháp, trang 9 in bằng tiếng Pháp.

• Người có IDP do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo IDP và GPLX quốc gia; tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại.

• Người có IDP do các nước tham gia Công ước Viên cấp khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam phải mang theo IDP và GPLX quốc gia được cấp phù hợp với hạng xe điều khiển; phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của Việt Nam.

(Theo Điều 4, 10, 11 Thông tư 29/2015/TT-BGTVT)

Thẻ:,

Bình luận

Bình luận của bạn